Anh Lê Phước Thọ ở thôn 3, xã Điện Hồng (Điện Bàn, Quảng Nam) là một nhà vườn khá thành công với mô hình trồng chuối lùn hương. Đây là một loại chuối truyền thống ở địa phương. Tuy gọi là “lùn” nhưng thân cây cũng hơi cao, có khả năng phát triển tốt ở vùng đất phù sa ven sông Thu Bồn chảy qua thôn, sản phẩm thu hoạch quanh năm.
Khi chuối chín, vỏ có màu vàng tươi, ăn rất thơm ngon và nhiều dinh dưỡng nên đầu ra tương đối ổn định. Theo anh Thọ, cách đây 10 năm, anh trồng thí nghiệm 300 cây giống chuối lùn hương trên 4 sào đất. Sau 9 tháng chăm sóc, anh thu hoạch trên 24 triệu đồng. Thấy chuối lùn hương có hiệu quả kinh tế cao, anh nhân rộng giống chuối lùn hương lên 1,5 ha. Mỗi sào (500 m2) đất trồng được 70 gốc chuối, cho thu hoạch được khoảng 50 buồng, mỗi buồng bán theo thời giá hiện tại từ 150.000 - 200.000 đồng. Như vậy 1,5 hecta thu hoạch được 270 triệu đồng, trừ chi phí tiền phân bón, tiền công thu hoạch, vận chuyển, anh thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Ngoài ra, hàng năm anh còn bán 3.000 cây chuối giống, giá mỗi cây 5.000 đồng, thu về 15 triệu đồng.
Nhờ chuối lùn hương mà gia đình anh Lê Phước Thọ thoát khỏi ngưỡng cửa đói nghèo, có của ăn của để, anh mua máy cày, máy bung, xe tải. Vào vụ, anh đi cày, đi bung lúa cho bà con quanh vùng, mỗi vụ thu về cho gia đình hơn 10 tấn lúa. Năm 2009, anh đầu tư kinh phí trên 300 triệu đồng xây ngôi nhà tầng khá khang trang.
Thấy chuối có hiệu quả, nhiều bà con trong vùng đến nhờ anh giúp cây giống cũng như kỹ thuật chăm sóc, anh sẵn sàng giúp đỡ.
Về kỹ thuật trồng chuối, anh Thọ chia sẻ: Thông thường vào tháng 2 thì tiến hành làm đất tơi xốp và trồng với mật độ hàng cách hàng 2 m, cây cách cây 2 m. Đào hố 0,5 x 0,5 x 0,5 m, khi trồng dùng 25 kg phân chuồng hoai mục, 0,5 kg lân, 0,3 kg kali trộn với đất cho xuống hố và xung quanh. Nên chọn cây giống khi có từ 3 đến 6 lá với độ cao vút ngọn khoảng 1 - 1,5 m, được tách ra từ cây mẹ không bị sâu, đã trổ buồng. Cây chuối là loại rất cần phân nên bón thêm cho mỗi gốc 0,4 kg sulfat đạm, 0,3 kg super lân, 0,5 KCl và bấm bỏ cây con để chuối có điều kiện phát triển mạnh, trổ buồng lớn.
Vào mùa hè dùng rơm, rạ hoặc cây lạc phủ dưới gốc chuối để hạn chế cỏ dại và giữ độ ẩm cho chuối. Khi rơm, rạ, cau, đậu hoai mục trở thành nguồn phân bón cho chuối phát triển. Tuy nhiên, trồng chuối cũng gặp không ít rủi ro, gió to có thể làm chuối gãy hàng loạt. Để khắc phục, khi cắt bỏ búp chuối thì chống chuối bằng 3 cây vững chắc, kết hợp chủ động tưới tiêu, phòng trừ sâu bệnh hại.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét